Bạn Có Được Nuôi Dưỡng Bởi Một Người Ái Kỷ?
Bạn Có Được Nuôi Dưỡng Bởi Một Người Ái Kỷ?
Không cha mẹ nào là hoàn hảo. Tất cả chúng ta đều mắc sai lầm, kể cả lỗi lầm trong quá trình làm cha mẹ. Nhưng được nuôi dưỡng bởi cha mẹ ái kỷ sẽ có những ảnh hưởng khác biệt trong quá trình chúng ta lớn lên.
Khi nhìn xem bệnh lý rối loạn nhân cách ái kỷ, chúng ta thường sẽ tìm thấy những đặc điểm chung như là họ cảm thấy mình vĩ đại và ưu việt. Họ có cái nhìn về hình ảnh của bản thân rất hời hợt, dựa vào hình ảnh họ đang xây dựng để thể hiện với người khác. Những người theo chủ nghĩa ái kỷ thiếu sự đồng cảm khiến họ thao túng mọi người trong cuộc sống để thu lợi riêng về cho bản thân. Họ cũng không thích sự bất tiện, ngay cả bởi gia đình của họ.
Cha mẹ ái kỷ
Khi nói đến cha mẹ ái kỷ, những đặc điểm này có biểu hiện hơi khác một chút. Hình ảnh cá nhân vô cùng quan trọng đối với một người ái kỷ, và con cái của họ là một phần của hình ảnh đó dù tốt hơn hay xấu đi. Cha mẹ ái kỷ có thể sử dụng con cái để thực hiện các mục tiêu và tham vọng của mình bằng cách sống với ước mơ của họ thông qua con cái. Họ sử dụng thành công của con cái để thể hiện sự thành công của họ với tư cách là cha mẹ. Đây là đặc điểm phổ biến, tuy nhiên có thể khác đi theo hướng hoàn toàn ngược lại. Thay vì coi thành công của con mình là của họ, cha mẹ ái kỷ có thể cảm thấy bị đe dọa bởi con mình là vì khi đứa trẻ thành công có nghĩa là chúng giỏi hơn cha mẹ chúng.
Một động lực phổ biến đối với những đứa trẻ có cha mẹ ái kỷ là “đứa con vàng” vs “bia đỡ đạn”. “Đứa con vàng” là hình ảnh bề nổi của cha mẹ ái kỷ, trong khi “bia đỡ đạn” là hình ảnh của sự bất an. Khi con cái được đặt vào những vai trò này, cha mẹ ái kỷ sẽ cố gắng để bảo vệ hình ảnh này bất kể điều gì xảy ra. “Đứa con vàng” luôn được kỳ vọng thể hiện hết khả năng của mình, chúng thường xuyên chịu áp lực từ cha mẹ ái kỷ. Nhưng đồng thời, “đứa con vàng” được yêu thích nhất. Ngay cả khi chúng thất bại, “đứa con vàng” sẽ luôn được đề cao hơn. Mặc dù những đứa trẻ này luôn bị áp lực phải nỗ lực hết mình, và chúng có thể không làm gì sai cả. “Đứa con vàng” tượng trưng cho hình ảnh bề thế, lớn lao của người ái kỷ nên thường nhận được sự tán dương và yêu quý. Trong khi đó, đứa con “bia đỡ đạn” dù có cố gắng đến đâu, sẽ không bao giờ đủ tốt đối với cha mẹ ái kỷ. Chúng thậm chí bị trừng phạt vì đã thành công hoặc lấy đi hào quang của “đứa con vàng”. Hình phạt sẽ không nhất thiết rõ ràng và có thể là hình phạt cho một vấn đề không liên quan. Cha mẹ ái kỷ sẽ tìm cách này hay cách khác để giữ cho đứa trẻ này ở đúng vị trí của nó. Bởi vì đứa trẻ trong vai trò “bia đỡ đạn” là hình ảnh bất an trong họ, chúng sẽ chỉ nhận được những tình yêu thương còn sót lại. Đứa trẻ này được coi là mục tiêu và là nguyên nhân của các vấn đề trong gia đình, nên đó là lý do chúng bị đối xử như vậy. Chúng cũng sẽ bị coi là không đạt tiêu chuẩn cao từ phía cha mẹ, vì thế chúng chắc chắn bị xem là đứa con thất bại trong mắt cha mẹ ái kỷ của mình.
Mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ ái kỷ có thể khiến trẻ có những cảm xúc lẫn lộn. Cha mẹ ái kỷ có thể tạo ra một mối quan hệ phụ thuộc hoặc đồng phụ thuộc với con cái của họ theo cách không lành mạnh cho đứa trẻ. Đôi khi, chúng ta thấy những trường hợp loạn luân tâm lý hoặc loạn luân bí mật. Loạn luân tâm lý không có nghĩa là loạn luân tình dục như chúng ta liên tưởng, nó có nghĩa là cha mẹ đã yêu cầu con cái của họ hỗ trợ quá nhiều về mặt tinh thần và sức lao động. Ví dụ về loạn luân tâm lý bao gồm cha mẹ cần con cái khen ngợi mình là một người cha hoặc người mẹ tốt. Cũng có thể là yêu cầu con họ hỗ trợ tinh thần đối với các chủ đề không thích hợp để thảo luận với trẻ, những chủ đề phức tạp và người lớn. Về cơ bản, đứa trẻ luôn cần phải quan tâm đến những nhu cầu tình cảm của cha mẹ, và nhiều khi là vượt qua các giới hạn của đứa trẻ.
Những ảnh hưởng đến con trẻ
Có nhiều triệu chứng khác nhau từ các bậc cha mẹ ái kỷ mà con cái có thể gặp phải. Con cái của những bậc cha mẹ ái kỷ thường cảm thấy không được công nhận hoặc bị cha mẹ chúng phớt lờ. Nếu đứa trẻ bị loạn luân tâm lý, chúng có khả năng bị ép buộc phải trưởng thành dù vẫn còn nhỏ, điều đó khiến cho việc phát triển các mối quan hệ tình cảm lành mạnh trở nên khó khăn khi chúng trưởng thành, và khiến chúng không học biết về các giới hạn thích hợp và gặp khó khăn khi thiết lập và thực thi các giới hạn bởi vì những đứa trẻ này mang lấy gánh nặng cảm xúc của cha mẹ trong quá trình chúng lớn lên.
Những đứa trẻ này cũng có thể gặp khó khăn với trầm cảm, lo lắng và tìm kiếm sự xác nhận từ người khác. Nhiều đứa bé bị những tác động lâu dài từ sự lạm dụng tình cảm và tâm lý từ cha mẹ ái kỷ, bao gồm chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý.
Cha Mẹ của Bạn Có Phải Là Người Ái Kỷ Không?
Đây có phải là một câu hỏi? Khi nào thì chúng ta nhìn nhận những cha mẹ tồi tệ hoặc những cha mẹ lạm dụng cảm xúc là cha mẹ ái kỷ? Họ có thể là những người ái kỷ, hoặc họ có thể là những người đã không vượt qua được những tổn thương của bản thân và truyền lại những vấn đề đó cho con cái của họ. Sự thao túng, xem bản thân là cao quý, v.v. có thể là dấu hiệu của những “căn bệnh” khác. Nhưng dấu hiệu lớn nhất của một người ái kỷ là sự ích kỷ và không có sự đồng cảm. Hãy nhìn lại toàn bộ ký ức thời thơ ấu của bạn. Nhìn vào mối quan hệ của bạn với cha mẹ và cách họ đối xử với bạn. Thoạt đầu sẽ khó để có thể nhận ra những người ái kỷ trong cuộc sống của chúng ta, nhưng khi chúng ta lùi lại và xem xét lại mọi thứ đã xảy ra và những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của chúng ta, bức tranh sẽ trở nên rõ ràng hơn. Nếu bạn nhận thấy rằng bạn được sử dụng như hình ảnh phản ánh cái tôi của cha mẹ, bạn là chỗ dựa tinh thần của họ, hoặc bạn thấy mình giống với hình ảnh đứa con vàng/ bia đỡ đạn, thì rất có khả năng bạn được nuôi dưỡng bởi một người ái kỷ.