Blog

Selflove - Chữa Lành

Làm Thế Nào Để Loại Bỏ Những Toxic Trong Bạn?

IMG_8497

Làm Thế Nào Để Loại Bỏ Những Toxic Trong Bạn?

Khi chúng ta nghĩ về một người toxic, chúng ta thường nghĩ đến một người thô lỗ, muốn thao túng, hay chống đối, ích kỷ, v.v. Không phải lúc nào cũng dễ dàng nhận biết ngay lập tức ai đó có độc hại hay không; thông thường, phải mất một khoảng thời gian để nhận ra những những dấu hiệu cảnh báo. Thậm chí còn khó hơn để nhận ra những đặc điểm hoặc hành vi độc hại trong chính chúng ta.

Não bộ của chúng ta có những cách thú vị để bảo vệ bản thân và biện minh cho niềm tin và hành động của mình. Chúng ta thường khó nhận ra một đặc điểm độc hại ở bản thân, hoặc nếu có, chúng ta đánh giá thấp ảnh hưởng của nó đối với cuộc sống của mình. Vì vậy, chúng ta nên cẩn trọng với điều gì? Những đặc điểm độc hại này biểu hiện như thế nào?

Những đặc điểm độc hại trong chúng ta

Có thể dễ dàng chỉ ra những đặc điểm độc hại ở người khác, nhưng những đặc điểm này có thể hơi khác khi chúng ta nhìn nhận bản thân mình. Hãy cùng xem xét một số đặc điểm độc hại phổ biến và cách chúng biểu hiện qua chúng ta:

Thao túng người khác

Có một ranh giới mong manh giữa thuyết phục và thao túng người khác trong một cuộc tranh luận, và việc vượt qua ranh giới đó dễ hơn bạn nghĩ. Sự khác biệt lớn nhất khiến bạn thao túng thay vì thuyết phục người khác là sử dụng biện pháp kiểm soát cảm xúc hoặc lừa dối để gây ảnh hưởng đến ai đó. Một chỉ báo cho biết bạn đang thuyết phục hay thao túng người khác là xem xét mục tiêu của bạn và những gì bạn tập trung vào. Bạn có đồng cảm và tập trung vào những lợi ích mang đến cho đối tác không? Hay bạn tập trung vào việc đạt được thứ gì đó mà bạn muốn? Chúng ta thường biện minh cho điều này bởi vì chúng ta biết rằng mình không có ý lợi dụng người khác. Rằng mình quan tâm đến họ và thực sự muốn điều này dành cho họ. Khi chúng ta ở trong những tình huống khó khăn hoặc háo hức với một cơ hội nào đó, chúng ta rất dễ tập trung vào những gì chúng ta đang muốn và hầu như không thừa nhận những gì người kia muốn. Thuyết phục trở thành thao túng khi chúng ta cố gắng ép buộc niềm tin và mong muốn của mình vào người kia.

Hành động bốc đồng

Mặc dù trong cuộc sống có một số việc phát sinh là tốt để bạn không bị mắc kẹt trong lịch trình lặp đi lặp lại mỗi ngày, nhưng sẽ không tốt nếu bạn luôn bốc đồng. Sự khác biệt giữa tự phát và bốc đồng là suy nghĩ mỗi khi hành động. Tự phát là khi xảy ra những điều kiện thích hợp, và những cơ hội đến tức thời. Sự bốc đồng gần giống như một phản xạ, bạn lao vào một tình huống mà không cần suy nghĩ. Hãy suy nghĩ về hai mặt của một đồng tiền, một bên là hành động có chủ đích còn một bên là hành động thiếu kiềm chế. Khi chúng ta thường xuyên hành động bốc đồng, thì chúng ta là người thiếu suy nghĩ, ích kỷ và hay gây rắc rối.

Cứng rắn quá mức

Làm theo cách của tôi hoặc tránh xa ra. Khi nói như vậy, chúng ta dễ dàng nhận thấy đây là cách hành xử không ổn chút nào. Nhưng vì lý do nào đó, chúng ta vẫn khó buông bỏ sự kiểm soát, và chúng ta xem hành xử này như một điều gì đó khác chứ không phải hành vi muốn kiểm soát. Chúng ta có thể hơi khó tính về một số việc cần được thực hiện theo một cách nhất định, chẳng hạn như quần áo sau khi giặt sạch cần được gấp “đúng cách” để cất đi dễ dàng. Chúng ta muốn công việc thường ngày của mình được thực hiện theo những cách nhất định, vào những thời điểm nhất định và cảm giác như tất cả mọi việc và sự lựa chọn đều dồn lên vai chúng ta. Chúng ta cảm thấy cần phải là người chịu trách nhiệm, lập kế hoạch, mua sắm mọi thứ, v.v. Và khi chúng ta được người khác giúp đỡ, chúng ta đảm bảo rằng họ cần tuân thủ theo các kế hoạch và hành động để mọi thứ được hoàn thành một cách đúng đắn.

Chúng ta thấy hành động của mình là đúng, thậm chí cho rằng mình đặc biệt biết cách mọi thứ cần được thực hiện như thế nào. Vì vậy chúng ta trở nên cứng rắn khi từ chối hiểu nhu cầu của người khác hoặc cho rằng có nhiều hơn một cách thực hiện. Dấu hiệu lớn nhất cho thấy bạn đang trở nên cứng rắn là cách bạn đối xử với người khác và xảy ra xung đột khi họ không làm theo cách của bạn. Khi các quyết định của bạn luôn là tuyệt đối, bạn không chịu thay đổi, điều đó khiến bạn trở nên cứng rắn. Nếu bạn phản ứng một cách giận dữ hoặc có thái độ thù địch, thì bạn biết khi đó bạn đang phản ứng độc hại rồi đấy!

Như thế nào là hành vi độc hại?

Chúng ta là con người, và chúng ta sẽ có lúc hành động ích kỷ và làm tổn thương người khác. Khi chúng ta căng thẳng, áp lực, hứng khởi hoặc có cảm xúc mạnh, chúng ta sẽ dễ dàng phản ứng lại. Đã có lúc trong đời chúng ta thao túng người khác, bốc đồng và cứng rắn; điều đó không có nghĩa là chúng ta có những đặc điểm độc hại. Chúng ta vẫn nên lưu tâm đến những điều này, nhưng đặc điểm độc hại là một kiểu hành vi.

… Thuyết phục trở thành thao túng khi chúng ta thường xuyên cố gắng và ép buộc niềm tin và mong muốn của mình vào người kia.

… Khi chúng ta thường xuyên hành động bốc đồng, chúng ta thường sẽ thiếu suy nghĩ, ích kỷ và hay gây rắc rối.

… Khi các quyết định của bạn luôn luôn là tuyệt đối, và bạn không chịu thay đổi, bạn sẽ trở nên cứng rắn.

Khi bạn lặp đi lặp lại những đặc điểm, hành vi tiêu cực một cách thường xuyên, nhất quán, luôn luôn trong một khoảng thời gian, đó là lúc bạn biết mình có hành vi độc hại.

Làm thế nào để phá vỡ nó?

Bước đầu tiên để loại bỏ những đặc điểm độc hại trong bạn là nhận thức về bản thân và hành vi của mình. Có rất nhiều đặc điểm khác có thể độc hại, bao gồm ích kỷ, phán xét, cãi vã, thờ ơ, v.v. Không ai là hoàn hảo. Bạn sẽ làm gì đó tiêu cực vào một thời điểm nào đó, cho dù đó là phán xét ai đó nhanh chóng, tức giận hay thô lỗ và kiêu ngạo. Điều quan trọng là phải quan sát hành vi, suy nghĩ và cảm xúc của bạn và thừa nhận hành vi tiêu cực đó bên trong bạn.

Bước tiếp theo là ý thức về hành động của bạn. Trong một số tình huống, khi chúng ta xấu hổ hoặc bị tổn thương, chúng ta sẽ khó buông bỏ cái tôi của mình và rồi chúng ta sẽ phản ứng lại với tình huống đó. Hãy cho bản thân thời gian suy nghĩ trước khi hành động để bạn lưu ý đến suy nghĩ và hành động của mình.

Sau đó, bạn lưu tâm đến hành vi của mình đối với người khác. Hãy cảm thông và trắc ẩn. Lắng nghe những gì người khác nói và những gì họ cần. Ban đầu có thể khó khăn nhưng điều quan trọng là bạn phải nhận ra vai trò của mình trong các tình huống và chịu trách nhiệm với bản thân. Để có thể trưởng thành từ những sai lầm trong quá khứ, chúng ta cần phải làm chủ chúng.

Cuối cùng, bạn nhờ sự giúp đỡ từ người khác khi cần thiết. Thay đổi hành vi cần có thời gian, bạn sẽ khó nhận ra hành vi tiêu cực và độc hại trong bản thân mình. Khi có một cộng đồng hỗ trợ, chúng ta có thể chia sẻ về những hành vi và tình huống bạn gặp phải để xác định xem bản thân có phải là người đang hành xử tiêu cực và không phù hợp hay không. Các cộng đồng hỗ trợ cũng sẽ giúp chúng ta giải trình và xử lý các hành vi độc hại này.

Để lại suy nghĩ của bạn ở đây

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *